Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan Tâm đã chủ trì cuộc làm việc
Tham dự buổi làm việc về phía Cục Thủy sản có đại diện lãnh đạo Cục và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Thủy sản như: phòng Khai thác thủy sản, Phòng Pháp chế Thanh tra, Trung tâm Thông tin thủy.
Sau gần 07 năm EC cảnh báo “Thẻ vàng” (từ tháng 10/2017), trong điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng nghề cá, với những khuyến nghị hữu ích và hỗ trợ kỹ thuật của EC cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nghề cá, tái cơ cấu ngành thủy sản và chống khai thác IUU so với trước thời điểm bị EC cảnh báo “Thẻ vàng”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc chống khai thác IUU được kết luận tại đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023); tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để có biện pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập, sai sót; chủ động thông tin, trao đổi với các cơ quan của EC, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Hải sản (DG-MARE) để chuẩn bị làm việc, đối thoại với Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5.
Tuy nhiên, một số địa phương còn tình trạng tàu cá vi phạm mất kết nối VMS khi hoạt động trên biển. Công tác điều tra, xác minh, lập hồsơ để xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn nhiều vướng mắc do liên quan đến hồ sơ pháp lý của các lực lượng nước ngoài.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Vũ Duyên Hải đã báo cáo về tình hình công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là công tác quản lý tàu cá, công tác xử lý vi phạm cũng như các đề xuất nâng cấp các tính năng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kỷ thuật về công nghệ trên phần mềm điện tử để phân tích, phát hiện các trường hợp mất kết nối trên biển, tàu vượt ranh giới,…để cũng cố các bằng chứng hồ sơ pháp lý phục vụ cho công tác xử phạt những trường hợp tàu cá vi phạm một cách hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, phía Cục Thủy sản cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung nguồn lực để nâng cấp về hạ tầng công nghệ, dung lượng, tính năng để đáp ứng nhu cầu vận hành, sử dụng hạ tầng phần mềm giám sát tàu cá một cách ổn định, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan Tâm cho biết, tại Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị, gắn thiết bị kết nối trên các tàu cá để đảm bảo chất lượng và phòng ngừa các hành vi tháo gỡ, tắt thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin quản lý nghề cá, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá (VMS), ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích, theo dõi, giám sát, xử phạt hành vi khai thác IUU
|
Qua nắm bắt tình hình về quản lý tàu cá tại Trung ương và địa phương trên hệ thống giám sát tàu cá (VMS) cũng như quy trình vận hành theo giõi tàu cá trên hệ thống VMS, quy định xử phạt và các quy định về thể chế đối với quản lý xử phạt tàu cá, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị làm rõ một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện vi phạm về mất kết nối bằng công nghệ và các giải pháp vá lỗ hỗng về chủ quan và khách quan về mất kết nối của thiết bị VMS.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đưa ra những hành vi, trường hợp bất thường mà hệ thống có thể cung cấp bằng chứng điển tử để có căn cứ pháp lý xử phạt. Để làm được điều này, Cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi thể chế mở rộng những hành vi để xử phạt nguội, đưa yếu tố công nghệ vào làm căn cứ xử phạt. Trước mắt khi làm việc với EC trong lần thứ 5 sắp tới cần có những cam kết mạnh mẽ về vấn đề này. Ngoài ra, cần tiếp tục kiến nghị EC về nâng cao năng lực, hỗ trợ phân tích kỷ thuật cũng như nâng cấp hạ tầng công nghệ để vận hành hiệu quả quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
Văn Thọ